Fri, 01/07/2011, 10:21
GMT+7
Tuyệt đối không mang điện thoại di động (ĐTDĐ), phải đi thi sớm, kiểm tra kỹ các giấy tờ, vật dụng cần thiết trước khi đi thi, nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của cán bộ coi thi... Đây là những điểm thí sinh cần lưu ý để tránh những sự cố đáng tiếc trong kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ.
Năm 2010, trong số hơn 300 trường hợp bị đình chỉ thi trong các đợt thi ĐH,CĐ, có gần 60% thí sinh bị đình chỉ vì mang ĐTDĐ vào phòng thi. Thậm chí có thí sinh sau khi nộp bài đã vô tư mang điện thoại ra gọi báo tin cho gia đình nên đã bị lập biên bản hủy kết quả và đình chỉ thi.
Tại một điểm thi của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM năm 2010, cán bộ coi thi phát hiện một thí sinh mang ĐTDĐ vào phòng thi và đã kiểm tra. Tuy ĐTDĐ đã tắt nguồn nhưng thí sinh này vẫn bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế.
Tuyệt đối không mang ĐTDĐ
ThS Nguyễn Vĩnh Anh - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Cần Thơ - cảnh báo: hầu như năm nào cũng có khá nhiều thí sinh bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ vào phòng thi. Để tránh trường hợp bị đình chỉ đáng tiếc, thí sinh tuyệt đối không mang ĐTDĐ vào phòng thi, dù đã tắt nguồn.
ThS Lâm Tường Thoại - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM) - nhắc nhở: thí sinh không nên chủ quan mà không đến điểm thi trong ngày làm thủ tục. Ngoài việc được cán bộ coi thi hướng dẫn cách làm bài, thời gian thi, phổ biến quy chế, điều quan trọng là thí sinh biết được địa điểm dự thi để ngày thi chính thức không bị động, đi thi kịp giờ.
Trong những kỳ thi gần đây hầu như năm nào cũng có khá nhiều thí sinh tự đánh mất cơ hội của mình khi đến trễ quá thời gian quy định và không được dự thi. Cần phải tiền trạm trước điểm thi và phải đi thi sớm để tránh tình trạng như trên.
Thí sinh cũng cần hết sức lưu ý tên gọi của các trường để đến đúng điểm thi, tránh nhầm lẫn, lạc đường. Kỳ thi tuyển sinh năm 2010, một thí sinh hớt hải chạy đến Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sau khi đã đi lạc đến Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM!
Trong khi đó một thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, dù đã đi làm thủ tục dự thi nhưng do không nghe cán bộ coi thi phổ biến quy chế, thời gian thi và đọc kỹ giấy báo thi nên đến trễ giờ thi hơn 30 phút và không được dự thi.
ThS Thoại cũng lưu ý thêm thí sinh cần phải cẩn thận với nắp máy tính cầm tay bởi có thí sinh bị đình chỉ vì nắp máy tính có ghi chữ, công thức. “Đây có thể là sự vô tình do các em đã nguệch ngoạc lên đó khi còn học phổ thông, nhưng vào phòng thi ĐH thì đó bị xem là tài liệu, và nếu bị phát hiện sẽ bị đình chỉ thi” - ThS Thoại nói thêm.
Trong khi đó, TS Nguyễn Phú Vinh - trưởng khoa cơ bản Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - chia sẻ để làm tốt bài thi điều kiện tiên quyết của mọi tiên quyết là phải giữ sức khỏe tốt, trước một hay hai ngày thi, các em nên nghỉ ngơi không học bài nữa. Vô phòng thi phải giữ tâm trạng thoải mái, không để bất kỳ áp lực nào (người thân, họ hàng, bạn bè...) ảnh hưởng đến kỳ thi này.
Tuân thủ hướng dẫn của giám thị
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) cần lưu ý ngày làm thủ tục dự thi, cán bộ coi thi sẽ hướng dẫn cho thí sinh đăng ký xét tuyển NV1B vào trường. TS Nguyễn Thanh Nam - trưởng phòng đào tạo - cho biết đây là điều kiện để thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển NV1B, nếu không trúng tuyển vẫn được trường cấp giấy chứng nhận kết quả để xét tuyển NV2, 3.
Năm nay, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM dành đến ba ngày để tập huấn cán bộ coi thi. Trường đã in những điểm cần lưu ý, cách làm bài thi trắc nghiệm, những vật dụng được mang vào phòng thi, lịch thi... để phát cho thí sinh trong ngày làm thủ tục.
“Có thể các em không nghe rõ những điều cán bộ coi thi nói nên trường phát cho các em tờ thông tin này để đọc và nhớ mà thực hiện đúng, hạn chế tình trạng bị đình chỉ thi một cách đáng tiếc” - ThS Tạ Quang Lâm, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ.
Tương tự, ông Ninh Quang Thăng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM - cho biết ngoài tập huấn cán bộ coi thi khối A, cán bộ coi thi các khối năng khiếu cũng được tập huấn kỹ vì có những đặc thù riêng. Chẳng hạn về thời gian thi, các vật dụng được mang vào phòng thi...
Trong buổi làm thủ tục, giám thị không chỉ phổ biến quy định dành cho thí sinh mà còn phải nói rõ các quy định dành cho mình để thí sinh biết và thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho mình. Chẳng hạn giấy thi phải có đủ hai chữ ký của cán bộ coi thi. Nếu một trong hai cán bộ coi thi quên chưa ký, thí sinh phải biết và yêu cầu cán bộ coi thi ký để đảm bảo bài thi của mình hợp lệ.
Theo tuoitre.vn