Fri, 01/07/2011, 10:25
GMT+7
Dù nguyên tắc chung để ra đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 vẫn bám sát chương trình và sách giáo khoa, chủ yếu là lớp 12, nhưng vẫn có nhiều điểm thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý để đạt điểm cao ở từng môn thi.
Thầy Nguyễn Cung Tạo, tổ trưởng môn Toán Trường THPT Trưng Vương chỉ dẫn: “Cầm đề thi trên tay, điều đầu tiên TS phải làm là đọc hết một lượt 10 câu hỏi để tạo ấn tượng trong đầu. TS xác định 3 câu hỏi có mức độ khó nhất nhưng khoan hãy làm mà giải quyết tất cả những câu hỏi khác rồi mới quay trở lại với 3 câu hóc búa này khi còn thời gian. Đề thi thường có từ 3-4 câu hỏi nằm trong tầm tay của TS có học lực trung bình - khá và đây là những câu cần giải quyết đầu tiên. TS cần biết phân bố thời gian hợp lý, không dừng lại quá lâu cho những câu khó, giải quyết đề từ dễ đến khó. Với kỳ thi tuyển sinh, TS phải làm chắc từng câu một để đạt điểm trọn vẹn, không để sơ sẩy mất 0,25 điểm cũng sẽ đánh mất cơ hội cạnh tranh vào đại học”. Thầy Nguyễn Cung Tạo lưu ý, những TS có sức học khá giỏi không nên chủ quan, khinh suất với những câu dễ, không hấp tấp để tránh mắc bẫy chi tiết, phải đạt điểm tuyệt đối ở những câu dễ.
Về môn vật lý, thầy Nguyễn Văn Phùng, Tổ trưởng môn Vật lý Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nhận định: “Đề thi tuyển sinh môn Lý gần đây quá khó, nhất là đề thi năm 2010 có 13 câu lý thuyết và 37 câu tính toán với những bài toán rất khó và dài. Trong đó, khoảng 10 câu hỏi khó mà ngay cả giáo viên cũng phải dành 40-45 phút để giải quyết trong khi TS chỉ có 90 phút để giải quyết hết 50 câu hỏi trắc nghiệm nên những học sinh có sức học vừa phải chưa chắc đạt được điểm trung bình”.
Ở phần lý thuyết, TS phải nắm kiến thức thật chắc để vận dụng, suy luận, thậm chí kết hợp nhiều kiến thức ở nhiều bài mới có thể trả lời được câu hỏi. Thầy Phùng cho rằng, đề thi Lý những năm gần đây có tính đánh đố cao ở những bài toán, kiến thức dàn trải trong cả chương trình nên TS không nên học khoanh vùng kiến thức để tránh việc bị “sập tủ”. TS nên chú ý các phương pháp giải bài tập bằng giản đồ, cố gắng tính toán thật chính xác các câu mà mình có thể làm được.
Theo dõi đề thi tuyển sinh môn Hóa khối A những năm gần đây, thầy Lê Văn Hồng, nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cho rằng: Khuynh hướng ra đề trước đây thường ra dạng những bài tập khó nhưng hiện nay lại quay về với dạng bài tập giáo khoa, chỉ có từ 1-2 bài khó để phân hóa TS. TS chỉ cần học kỹ, bám sát sách giáo khoa sẽ có thể làm bài tốt môn Hóa. Tuy nhiên, đề thi lại ra dàn trải ở cả chương trình lớp 10, 11 và 12.
TS cần lưu ý các dạng bài: Cân bằng phản ứng oxy hóa khử; cách chuyển hóa giữa các chất hữu cơ với nhau; chú ý các dạng toán về Este; dạng toán về lọ mất nhãn; dãy hoạt động hóa học trong đó có chứa kim loại, ion kim loại, các phi kim, các chất oxy hóa... TS cần biết vận dụng các định luật bảo toàn khối lượng, bảo toàn số nguyên tử, bảo toàn số electron để giải quyết các bài toán.
Các chuyên gia cho rằng nguyên tắc làm bài thi trắc nghiệm là đọc chậm toàn bộ đề 1 lần để xác định câu dễ - khó. Quay lại lần 2 để giải quyết những câu dễ, bài toán đơn giản dạng định tính. Sau đó, TS giải quyết nốt những câu hỏi phức tạp vào cuối giờ. Thái độ để làm bài thi trắc nghiệm là thật bình tĩnh, dứt khoát, không mất thời gian quá lâu ở bất kỳ câu hỏi nào.
Theo sggp.org.vn