Mon, 11/07/2011, 10:48
GMT+7
Trả lời báo chí chiều 10/7, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Bùi Văn Ga cho rằng, với đề thi năm nay, số thí sinh đạt điểm trung bình sẽ rất đông, nguồn vào của các trường cũng rộng, phù hợp với nhu cầu đào tạo.
- Sự cố nhầm mã đề môn Hóa ở ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội làm dư luận rất bức xúc vì ảnh hưởng đến tâm lí làm bài của thí sinh, Bộ Giáo dục có chủ trương xử lý như thế nào đối với các bên liên quan?
- Sự cố nhầm mã đề là sự cố liên quan đến kĩ thuật, có thể một chiếc máy in bị kẹt và người điều khiển chưa xử lý tốt. Ngay sau khi phát hiện sự cố Bộ Giáo dục cùng với hội đồng thi đã lập tức thay đề thi và cho thí sinh thêm 10 phút làm bài. Ngay trong quy chế thi, sau khi phát đề thi, thí sinh có 15 phút để kiểm tra đề thi, số tờ, nhưng rất tiếc là việc này không được phát hiện trong thời gian đó.
Tới đây, Bộ Giáo dục sẽ họp tổng kết, phân tích những mặt được, chưa được của kì thi này để rút kinh nghiệm. Những sự cố như giám thị ký nhầm, sai mã đề thi môn Hóa sẽ được đánh giá tác động để quyết định việc xử lý, nếu như kết quả đánh giá cho rằng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thí sinh thì các cá nhân liên quan sẽ bị xử lý theo qui chế.
- Đề Toán và Lý khối A năm nay được đánh giá là khó, phải chăng đó là chủ trương của Bộ để điều chỉnh điểm sàn?
- Chủ trương xuyên suốt của Bộ với tổ ra đề thi là đề không quá khó, chủ yếu trong chương trình lớp 12 nhưng phải có tính phân loại cao. Mục đích của việc ra đề như vậy là để phổ điểm được hợp lý: điểm 9,5 - 10 ít đi, điểm trung bình nhiều lên, từ đó phổ đầu vào của các trường cũng rộng ra, các trường tuyển sinh phù hợp với nhu cầu đào tạo.
Theo như dự tính, số thí sinh đạt điểm trung bình sẽ rất đông, nghĩa là tổng điểm 15, 16 nhiều nên điểm sàn dự đoán không thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên cụ thể như thế nào thì phải đợi công tác chấm thi hoàn tất, hội đồng điểm sàn họp bàn và đưa ra quyết định.
- Nhiều phụ huynh cho rằng việc phân bổ thời gian cho kỳ thi đại học chưa hợp lý và đề xuất sau khi làm thủ tục thí sinh có thể dự thi ngay vào buổi chiều, hay các môn thi khối D có thể đổi vị trí để sau môn Văn thí sinh thi Ngoại ngữ tránh sự mệt mỏi, ông nghĩ thế nào về điều này?
- Về việc để trống buổi chiều sau khi làm thủ tục thi là Bộ dành thời gian cho các trường sửa lỗi sai trong hồ sơ của thí sinh. Khi xử lý hàng nghìn số liệu về thí sinh có thể có những lỗi và chỉ cần một cái sai nó có thể làm sai hàng loạt thí sinh khác. Nếu không có một ngày sửa lỗi thì e có những sai sót không kịp sửa và thí sinh không thể dự thi, như vậy là ảnh hưởng đến quyền lợi các em.
Còn về việc điều chỉnh thứ tự môn thi là điều có thể làm vì nó chỉ liên quan đến chuyên môn. Phụ huynh có ý kiến gì cứ đề xuất để Bộ nghiên cứu điều chỉnh.
- Chủ trương 3 chung của Bộ giáo dục đã thực hiện được 10 năm, sắp tới, Bộ có dự định đổi mới gì trong thi cử hay không?
- Cách đây vài tháng Bộ Giáo dục cũng đã đề nghị các trường cùng với Bộ nghiên cứu phương án đổi mới tuyển sinh đại học. Tuy nhiên, song song với đổi mới thi thì phải đổi mới cách dạy và cách học thì mới có hiệu quả.
Dự tính đến năm 2015 sẽ có đổi mới nhưng từ nay đến đó là rất nhiều lộ trình. Đổi mới không phải nói là được mà cần phải có thời gian chuẩn bị, học sinh cũng cần biết để chuẩn bị tâm lý.
Hiện nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi khoảng 1,5 triệu nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ khoảng 500.000 em. Như vậy nhu cầu tuyển chỉ có 1/3 nhu cầu học. Bộ Giáo dục đang từng bước mở rộng mạng lưới đại học, cao đẳng sao cho đến năm 2020 có 1 triệu chỗ học đại học, cao đẳng, để tất cả các em có nguyện vọng đều được vào. Khi đó, chỉ những đại học tầm cao, đào tạo nghiên cứu mới cần thi tuyển để chọn người tài.
Theo Vnexpress