Trong khi đó, tại hội nghị sáng nay 5/8 của Hiệp hội các trường đại học ngoài công lập, nhiều ý kiến đề nghị Bộ GD-ĐT thay đổi mức điểm sàn:
Ông Lê Công Huỳnh, hiệu trưởng trường ĐH Thành Tây: Đề nghị có điểm sàn riêng cho các trường ngoài công lập
Điểm sàn có phải là là vấn đề quản lý hay là nhu cầu về xã hội vì vậy trong hoàn cảnh hiện nay mà Bộ GD-ĐT không thay đổi điểm sàn thì các trường ngoài công lập sẽ tan hết kéo theo lãng phí rất lớn về cơ sở vật chất và tiền bạc. Mặc dù biết rằng, sức mạnh của các trường là số lượng sinh viên nhưng với trường chúng tôi rất khó có lời giải. Bởi vì khi vừa thành lập xong, trường tôi tuyển được 700 sinh viên, năm sau tuyển được 600 sinh viên và năm 2010 tuyển được 400 sinh viên, đến năm nay dự kiến tuyển 200 sinh viên cũng khó.
Tôi nghĩ, chúng ta tăng điểm sàn hay hạ điểm sàn là một vấn đề nhưng nhiều trường công lập thông báo lấy điểm chuẩn bằng điểm sàn thì chẳng có thí sinh nào lại vào trường ngoài công lập.
Để các trường ngoài công lập tồn tại thì đề nghị Bộ cho điểm sàn công lập riêng và điểm sàn trường ngoài công lập riêng. Các trường xin hưởng ưu tiên để tuyển sinh thì Bộ không nên duyệt như vậy sẽ loạn.
Ông Đặng Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường ĐH Chu Văn An:
Điểm sàn cần có sự tính toán kỹ!
Theo tôi, điểm sàn là do đề thi, điểm thi nên thường không ổn định. Tại sao thi tốt nghiệp có kết quả như vậy nhưng thi đại học lại có kết quả ngược lại. Cần phải có kiểm định kết quả trên.
Với những ngành nghề khó tuyển như ngành luyện kim, nông lâm nghiệp, nay lại vướng vào điểm sàn lại càng khó tuyển hơn, chỉ khổ cho các trường ngoài công lập. Sự vô tình này làm ảnh hưởng tới xã hội hóa giáo dục. Do vậy, Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ khi đưa ra quyết định điểm sàn. Cần có giải pháp tình thế cho khó khăn hiện nay của các trường ngoài công lập.
Ông Trần Hữu Nghị, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng:
Điểm sàn phải xác định để các trường có thí sinh đến học
Đã thi “3 chung” thì phải có điểm sàn nhưng điểm sàn phải xác định như thế nào để các trường ngoài công lập có thí sinh đến học. Tôi nghĩ, với hơn 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp thì chẵng nhẽ lại không tính toán để khoảng 300.000 thí sinh vào đại học. Biết rằng, việc xây dựng điểm sàn dựa trên nhiều yếu tố nhưng nhiều trường đại học chỉ lấy bằng điểm sàn của Bộ thì sinh viên vào trường công lập chứ tội gì vào dân lập cho tốn tiền.
Hiện nay, cả nước có khoảng 100 trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhưng đa số rơi vào tình trạng khó tuyển sinh vì thiếu nguồn tuyển. Cứ đà này không tuyển được thí sinh, các trường sẽ phá sản thì việc chủ trương xã hội hóa giáo dục không hiệu quả.
Ông Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Phương Đông:
Lấy điểm sàn để có 50% thí sinh đạt, vượt sàn
Tôi không đồng ý bỏ điểm sàn vì chúng ta đang thực hiện “3 chung”.
Bộ quy định tất cả việc giao chỉ tiêu, ra đề thi thì việc điểm sàn thấp hay cao như thế nào Bộ quyết định tất cả. Do vậy, tôi đề nghị bộ lấy điểm sàn sao cho 50% các em dự thi đạt, vượt điểm sàn. Như vậy, các trường đại học ngoài công lập mới có đủ nguồn để tuyển.
|