Tin tức

Tuyển sinh 2011: Thực hiện quy định mới xét tuyển NV2 ĐH-CĐ 2011 - Lợi bất cập hại

Thu, 01/09/2011, 09:02 GMT+7

Quy định mới trong xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, 3 năm 2011 là thí sinh được rút hồ sơ trong thời hạn 15 ngày, các trường phải cập nhật cụ thể thông tin về số lượng thí sinh (TS) đăng ký xét tuyển hàng ngày trên website.

Sáng kiến này được Bộ GD-ĐT cho rằng xuất phát từ quyền lợi của TS. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế đã, đang và sẽ diễn ra trong cuộc đua NV2 vào các trường năm nay có phần đối nghịch với kỳ vọng của bộ và thậm chí làm cho tình hình trở nên rối loạn khi nhiều TS  ở xa sẽ chịu thiệt.

 

Rối loạn 

 

Sau 4 ngày thực hiện xét tuyển NV2, có trường nhận vài trăm hồ sơ, có trường nhận đến vài ngàn hồ sơ nhưng tất cả đều than: “Tình hình xét tuyển NV2 năm nay đang rối như canh hẹ”. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã nhận gần 3.000 hồ sơ. Dù trường phải huy động gần gấp đôi cán bộ để tham gia thu nhận hồ sơ nhưng việc để lọt sổ những trường hợp gian lận như sử dụng phiếu điểm giả gần như không kiểm soát được. Ông Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh nhà trường cho biết: “Đến thời điểm này, dữ liệu tổng về TS dự thi cả nước (trừ số TS trúng tuyển NV1) mà Bộ GD-ĐT đã gửi cho trường còn thiếu rất nhiều. Do đó, những TS không có trong dữ liệu tổng buộc trường phải cho nhân viên nhập thông tin nên mất rất nhiều thời gian. Đã vậy, quy định buộc trường cập nhật hồ sơ hàng ngày trở thành một áp lực với bộ phận tuyển sinh”.

 

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM trong ngày hôm qua vẫn loay hoay gọi điện khắp nơi xin dữ liệu TS dự thi của các trường để kiểm dò. Chính vì vậy, thông tin về số lượng TS đăng ký NV2 vào trường từ ngày 25-8 đến nay vẫn chưa được công bố để TS nắm rõ. Cũng giống như 2 trường trên, nhiều trường tại TPHCM và Hà Nội cũng cho biết, đang rối như tơ vò vì dữ liệu tổng của Bộ GD-ĐT gửi thiếu thông tin nên tốn nhiều thời gian để nhập thông tin hồ sơ NV2 của TS. 

 

Quy định của Bộ GD-ĐT là cho thí sinh được rút hồ sơ trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ nhưng thực tế mỗi trường làm mỗi kiểu, thậm chí có trường hẹn trả kết quả cho thí sinh vào ngày 1-9. Ngay ngày đầu nộp hồ sơ, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã xé rào thu lệ phí đến 20.000 đồng (quy định chung của cả nước là 15.000 đồng/hồ sơ) và cấp biên nhận hẹn thí sinh đến ngày 1-9 sẽ trả lời kết quả và không cho TS rút hồ sơ. Trong khi đó, nhiều trường nhất quyết không cho TS rút hồ sơ theo quy định mà đang loay hoay chọn ngày cho thí sinh rút hồ sơ. 

 

Thí sinh có được lợi?

 

Những quy định mới của Bộ GD-ĐT trong việc xét tuyển NV2, 3 năm nay được cho là vì quyền lợi của TS nhưng thực tế có đúng như kỳ vọng mà bộ đã dự tính?

 

Quy định cho TS được rút hồ sơ trong vòng 15 ngày thực tế đã gây rối cho TS lẫn các trường. Về phía các trường, để có người học và vì quyền lợi của TS, chuyện tăng người thêm việc trong việc thu nhận hồ sơ NV2 là chuyện không đáng nói. Tuy nhiên, điều đáng bàn chính là quyền lợi giữa TS ở việc rút hồ sơ và không được rút hồ sơ. Nhìn một cách tổng thể, quy định mới này có nhiều bất hợp lý. Đó là chuyện rút hồ sơ chỉ giải quyết cho một bộ phận nhỏ thí sinh tập trung ở các khu vực thành thị, khu vực gần trường. Rất nhiều TS ở tỉnh, vùng sâu vùng xa không hưởng được quyền lợi này. Một chuyên gia làm công tác đào tạo phân tích: Hơn 2/3 thí sinh của cả nước đều ở nông thôn. Vậy việc rút hồ sơ chỉ thỏa đáng quyền lợi cho một số nhỏ thí sinh ở khu vực gần trường. Hơn nữa, những TS gửi hồ sơ qua đường bưu điện khi biết mình nộp hồ sơ vào ngành đã có quá đông hồ sơ, họ sẽ bằng cách nào để rút hồ sơ?

 

Chuyện công khai, cập nhật thông tin về số liệu hồ sơ vào từng ngành nghề để TS nắm bắt thông tin là việc nên làm. Tuy nhiên, điều quan trọng là ở cách làm. Do đó, TS, phụ huynh sẽ không biết được thông tin mà các trường công khai sẽ thật đến đâu để lấy đó làm cơ sở tham khảo để rút hồ sơ nơi này để nộp vào nơi khác. Và sự thật - ảo trong việc công bố số liệu hồ sơ dễ dẫn đến phản tác dụng, thậm chí là có thể đánh lừa thí sinh. Thực tế hiện nay đã chứng minh: Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhận được rất nhiều hồ sơ (chưa tính qua đường bưu điện) và cán bộ tuyển sinh không nhập thông tin kịp, thậm chí nhập chưa chính xác đã buộc phải công khai con số không sát với thực tế. Nhiều trường như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Mở TPHCM không đủ tự tin để công bố hồ sơ.  

 

Như vậy, những quy định mới trong xét tuyển NV2 năm nay khi áp dụng đã có những phản ứng ngược, thậm chí chưa có tính khoa học, đồng bộ để đạt đến mong muốn chấm dứt tình trạng TS phải chơi “xổ số” ở NV2, 3. Và chuyện hôm nay nộp, mai rút hồ sơ coi như không mang lại hiệu quả thiết thực cho TS mà thậm chí còn làm cho TS, phụ huynh hồi hộp, căng thẳng hơn.

Theo thongtintuyensinh.vn

Bình luận
Ý kiến bình luận
Tin tức khác