Tin tức

Nghề 'trang điểm' cho thiết bị công nghệ

Sat, 16/04/2011, 09:18 GMT+7

Khi điện thoại, laptop, máy nghe nhạc và chơi game cầm tay trở nên phổ biến, việc tạo phong cách riêng cho chúng cũng trở thành sở thích của nhiều người và từ đó, ngành dịch vụ đáp ứng nhu cầu này cũng xuất hiện.

Anh Trần Mạnh Hiệp là admin của một diễn đàn công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam đồng thời cũng là giám đốc của công ty Khắc Tên, nơi đầu tiên khởi đầu cho xu hướng trang trí đồ công nghệ bằng vật liệu da.

Macbook được trang trí bằng miếng dán da với hình của trò chơi nổi tiếng Angry Bird. Ảnh: Khắc Tên..

Macbook được trang trí bằng miếng dán da với hình của trò chơi nổi tiếng Angry Bird. Ảnh: Huy Đức.

Theo anh Hiệp, lúc đầu do đam mê đồ công nghệ và muốn đồ của mình khác lạ hơn, anh đã tự trang trí cho đồ dùng của mình. Từ đó, anh bắt đầu kinh doanh và chọn da làm chất liệu tại vì phù hợp với nhiều độ tuổi hơn so với những loại khác và nó cũng dễ sử dụng hơn.

Khó khăn ban đầu của anh chính là tìm ra được nguồn nguyên liệu phù hợp với việc trang trí cho sản phẩm nhưng nhờ đam mê, anh đã tìm ra được và đưa sản phẩm của mình ra thị trường thành công.

Anh Hiệp cũng cho biết hiện nay giá thành của sản phẩm làm từ da còn cao so với nhiều người nên sắp tới anh sẽ mở rộng thêm sản xuất những miếng dán bằng đề can với chất lượng ngang với hàng nhập từ nước ngoài của các thương hiệu nổi tiếng như iskin, skinit…

Ngoài những sản phẩm có sẵn, khách hàng có thể yêu cầu thiết kế theo ý của mình và chọn loại da ưa thích. Sau khi thiết kế xong thì việc còn lại rất đơn giản, người thợ chỉ việc đặt miếng da mà khách hàng chọn vào máy cắt và khắc da bằng laser để khắc theo mẫu đã làm với thời gian chỉ vài phút. Chi phí cho một chiếc điện thoại di động là từ 100 nghìn và laptop là từ 500 nghìn đồng.

Thị trường nước ngoài cũng đang quan tâm đến sản phẩm của công ty này. Anh Hiệp cho biết một số người đã nhập sản phẩm của công ty anh và bán khá chạy tại nước ngoài do giá cả cạnh tranh và miếng dán bằng da là một mặt hàng mới lạ.

Trong khi đó, Nguyễn Đức Minh Trí, Giám đốc của công ty Gỗ Việt, lại chọn gỗ để làm cho chiếc điện thoại đi động trở nên cá tính và độc đáo hơn.

Khác với miếng dán da để trang trí là dán thẳng lên sản phẩm, công ty của anh Trí làm một bộ vỏ bằng gỗ để thay thế cho bộ vỏ zin của khách hàng mang tới.

Khởi đầu từ năm 2007, khi thấy các mẫu điện thoại của Mobiado làm từ gỗ, anh Trí đã tìm hiểu và làm thử cho mình. Sau đó, do bạn bè thấy và hỏi thăm nên anh đã bắt đầu kinh doanh.

Khác với các sản phẩm của nước ngoài là gỗ ghép lại và kết hợp với kim loại, sản phẩm của Gỗ Việt hầu hết làm bằng gỗ nguyên khối. Các sản phẩm của Gỗ Việt là sản phẩm điêu khắc mỹ nghệ có thể kết hợp thêm các vật liệu quý như ngà voi, vàng và đá quý để tăng thêm giá trị.

Điện thoại Nokia 7210 được làm vỏ bằng gỗ và ngà voi. Ảnh: Huy Đức.

Điện thoại Nokia 7210 được làm vỏ bằng gỗ và ngà voi.

Anh Trí cho biết khó khăn của việc làm sản phẩm là không có máy móc. Việc xử lý gỗ hầu hết là bằng các thiết bị tự chế ra để phù hợp với nhu cầu của công việc. Lúc đầu, việc làm một chiếc vỏ gỗ mất nhiều thời gian do đều làm bằng tay nhưng bây giờ thì nhanh hơn với sự trợ giúp của máy móc. Mỗi tháng công ty nhận được khoảng 150 đơn hàng từ khách lẻ và với các đại lý là không dưới 100 sản phẩm cho mỗi nơi.

Với những sản phẩm có sẵn thì khách hàng chỉ việc cầm máy tới và lắp vào hay mua máy có sẵn của công ty, còn với sản phẩm đặt hàng thì khách hàng phải đợi ít nhất là 2 ngày tùy theo độ phức tạp. Khách hàng cũng có thể khắc hình và tên lên điện thoại theo yêu cầu bằng máy laser giống như khắc da. Quy trình cũng chỉ mất vài phút sau khi khách hàng đã chọn mẫu.

Theo anh Trí, vỏ gỗ cũng có những hạn chế trong sử dụng và bảo quản bởi vì đặc tính cũa gỗ là dễ bị biến dạng do thời tiết và hư hỏng do va đập, nhưng nếu dùng cẩn thận thì vỏ sẽ ngày càng đẹp do gỗ càng dùng nhiều sẽ mau lên nước.

Trên thế giới các sản phẩm điện thoại vỏ gỗ chỉ hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp như Mobiado và Gresso, giá cả của chúng thường từ 1.000 USD trở lên còn sản phẩm của Gỗ Việt có giá từ 300 nghìn trở lên. Đối với những sản phẩm "độc" thì tùy vào yêu cầu của khách hàng mà giá có thể lên tới cả trăm triệu đồng.

Anh Trí cho biết sản phẩm của công ty chủ yếu là làm cho điện thoại của Nokia nhưng vẫn làm cho cả điện thoại của khách hàng mang đến. Sắp tới anh dự định mở một showroom để trưng bày và bán sản phẩm có sẵn.

Theo Vnexpress

 

Bình luận
Ý kiến bình luận