Tue, 05/04/2011, 09:32
GMT+7
Người thầy ấy vẫn lặng lẽ từng đêm bên ánh đèn chuẩn bị bài vở cho buổi lên lớp vào thứ 7, chủ nhật. Học trò của thầy là những đứa trẻ nhà nghèo nơi đồng ruộng. Chúng đến với thầy để được học miễn phí và được học về cách làm người.
Mở lớp vì thương trò nghèo
Tháng 7/2008, thầy Hồ Xuân Thành, giáo viên Trường tiểu học Hưng Khánh (Hưng Nguyên, Nghệ An) chính thức nghỉ hưu. Về vui vầy với vợ con trong căn nhà nhỏ xóm 3, xã Hưng Tiến, "người lái đò” ấy lại nhớ đò, nhớ bến quay quắt. Thầy bảo với vợ: "Gia đình mình tuy nghèo nhưng nhiều em học sinh còn nghèo hơn. Cái nghèo, cái khó khiến bố mẹ không chăm lo việc học hành của con em đến nơi đến chốn nên các em có phần sao nhãng dẫn đến kết quả học tập chưa cao. Không còn đứng trên bục giảng nữa nhưng tôi thấy mình phải gánh vác một phần trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ nơi vùng quê nghèo khó này".
Được sự đồng cảm từ người bạn đời, thầy Thành gom góp tiền bạc sắm sửa bàn ghế, dọn dẹp gian nhà dành chỗ mở lớp học miễn phí cho học sinh lớp 4, lớp 5 trong vùng. Ngày thầy mở lớp, nhiều người dân tò mò đến xem, có người bảo thầy "hâm", “dở hơi”... Trong khi ngày càng có nhiều lò luyện thi, dạy thêm mọc lên như nấm thì thầy lại đi mở lớp học miễn phí. Cũng có người cho rằng thầy muốn làm khác người cho nổi tiếng. Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, thầy vẫn cặm cụi từng đêm soạn giáo án để ngày thứ 7 và chủ nhật căn nhà nhỏ của mình vang tiếng líu lo đọc bài của những em nhỏ.
Dưới sự chỉ bảo của thầy, học sinh trong xóm, trong xã tiến bộ vượt bậc. Không lâu sau đó, những lời dị nghị, đàm tiếu cũng biến mất, nhiều nhà giáo khác lấy thầy làm tấm gương để noi theo. Những lớp học miễn phí của cô Lê Thị Tam, thầy Nguyễn Đình Nuôi, thầy Nguyễn Văn Hạnh cũng được mở ra. Cô con gái của thầy Thành hiện là giáo viên dạy môn Anh văn ở huyện miền núi Anh Sơn cũng noi gương cha miễn hoàn toàn học phí cho học sinh nghèo.
Với thầy Thành đó là niềm vui, hạnh phúc lớn lao bởi việc làm của mình đã được lan tỏa. Nhưng hạnh phúc hơn cả là từ những buổi lên lớp của thầy, nhiều em trở thành học sinh giỏi của trường, của huyện, có em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy Thành chia sẻ: "Tôi mở lớp dạy các em không phải vì muốn nổi tiếng, cũng không muốn mình khác người. Đơn giản là tôi muốn các em được học hành đến nơi đến chốn, nhất là các em học sinh nghèo quê tôi".
Muốn toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp cao cả của cuộc đời nhưng thầy cũng không thoát được cái gánh nặng cơm áo gạo tiền. Vợ thầy sau một lần tai nạn gần như không làm được việc nặng, mọi trang trải sinh hoạt trong gia đình đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi của ông giáo nghỉ hưu. Những hôm không phải lên lớp, thầy lại ra đồng làm một ông nông dân thực thụ để chăm lo 3 sào ruộng lúa nuôi cô con út học đại học. Hết việc đồng áng, vườn tược, sau những giờ lên lớp thầy lại tất bật với công tác khuyến học của xã.
"Tôi thấy mình phải gánh vác một phần trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ nơi vùng quê nghèo khó này" - thầy Hồ Văn Thành tâm sự.
"Tôi chỉ thổi vào tâm hồn các em niềm đam mê học!"
Với thầy Thành, việc truyền thụ kiến thức cho các em cực kỳ đơn giản: "Người thầy chỉ cần đưa ra phương pháp giảng giải còn việc học và làm bài tập là của các em. Có như thế mới phát huy được tính sáng tạo, độc lập trong cách học của từng em. Người thầy phải là người biết thổi vào tâm hồn các em niềm đam mê học tập. Có đam mê, có quyết tâm thì mới có thể học hành tiến bộ...".
Những bài toán khó được thầy sưu tầm trên mạng Internet rồi giải bằng nhiều phương pháp khác nhau sau đó hướng dẫn để các em so sánh tìm ra cách giải nhanh, chính xác và ngắn gọn nhất. Nhưng tìm ra cách giải hay chưa phải là tất cả. Giải một bài toán theo cách tối ưu nhất nhưng chữ viết và cách trình bày không khoa học cũng khó đạt điểm tuyệt đối. Bởi vậy bên cạnh hướng dẫn các em cách giải thầy chú tâm rèn luyện cho các em tính cẩn thận trong trình bày, trong lập luận.
"Tôi thường nói với các em "nét chữ nết người". Chữ viết cẩn thận thể hiện một con người cẩn thận, làm việc có suy nghĩ trước sau. Chữ viết sạch sẽ, trình bày sáng sủa thể hiện tâm hồn các em trong sáng”, thầy Thành chia sẻ. Phương pháp luyện chữ của thầy cũng hết sức đặc biệt. Mỗi học trò đến với thầy phải luyện viết 4 chữ cái: o, l, m, s. Với mỗi chữ cái này các em phải viết 1.000 lần. Nét tròn, thẳng, mảnh, đậm của tiếng Việt đều hội tụ đủ trong 4 chữ cái đó. Viết 4.000 lần những chữ cái đó tự nhiên các em sẽ rèn luyện được đức tính cẩn thận và chữ viết đẹp hơn.
Thầy tâm sự với các em học sinh, thầy nói nhiều đến vùng quê nghèo của mình, đến những người nông dân lam lũ quê mình để các em biết thương cha mẹ mà chăm chỉ học hành. "Kết quả học tập của các em là món quà lớn nhất, ý nghĩa nhất mà thầy muốn được nhận. Là lời cảm ơn ý nghĩa nhất cho những vất vả bố mẹ các em đang trải qua để các em được đến trường". Những tâm sự của thầy đã trở thành động lực cho các em học sinh. Nhiều em đã biết vượt qua khó khăn, thiếu thốn để giành những thành tích cao trong học tập và rèn luyện. Trong đội tuyển dự thi các kỳ thi học sinh giỏi của các trường tiểu học Hưng Tiến, Hưng Khánh đều có sự góp mặt của các em học sinh lớp học miễn phí của thầy Thành.
Ngày lễ, ngày tết căn nhà thầy rộn trong tiếng cười nói của phụ huynh và học sinh. Họ đến để báo cáo thành tích học tập của con và gửi lời tri ân đến thầy. Anh Hồ Văn Sâm, phụ huynh em Hồ Thị Thành (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Hưng Tiến) chia sẻ: "Thầy chỉ nhận lời cảm ơn thôi chứ quà cáp nhất định không lấy. Thầy nói dạy học miễn phí vì thương học sinh, thương phụ huynh nghèo. Nông dân như chúng tôi suốt ngày cắm mặt ngoài đồng không có thời gian cũng như kiến thức mà bày dạy cho con, tất cả là nhờ các thầy cô giáo trên trường và lớp học của thầy Thành cả đấy. Làm thầy dạy chữ thì nhiều nhưng làm được như thầy Thành thì hiếm lắm".
Với việc mở lớp học miễn phí tại gia, hơn 4 năm qua đã có gần 200 học sinh ở 2 xã Hưng Thắng và Hưng Tiến (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đến nhà thầy Thành để được học chữ, học toán. Niềm đam mê và yêu thương học sinh như con của mình cũng đã lan sang cả vợ thầy. Bà Trần Thị Lan - vợ thầy Thành hằng ngày tự tay nấu nước sôi, quét dọn phòng học sạch sẽ để phục vụ thầy trò. "Nếu không có bà ấy chia sẻ có lẽ tôi đã không làm được như thế này", thầy nói về người vợ yêu quý của mình.
Người bạn đời của thầy Thành luôn sát cánh cùng chồng trong sự nghiệp trồng người nơi miền quê nghèo khó này.
Thầy Thành dành thứ 7 để dạy các học sinh khối lớp 4, học sinh khối lớp 5 học vào chủ nhật hàng tuần. Thế nhưng vẫn không đáp ứng được nguyện vọng của các em học sinh và phụ huynh trong vùng. Bởi vậy hiện nay thầy đang cho lớp tạm nghỉ để làm việc với ban giám hiệu Trường tiểu học Hưng Tiến, mượn tạm một phòng học của trường để đủ chỗ cho các em học sinh. "Tôi mê cái giải toán qua mạng Internet lắm. Muốn hướng dẫn các em học sinh môn học mới mẻ này nhưng học trò quê tôi nghèo lắm không có điều kiện để trang bị máy vi tính trong khi đó tôi chỉ có 1 máy nên hướng dẫn cho em này lại mất em kia", thầy Thành trăn trở.
Việc làm của thầy Thành đã được Hội khuyến học và UBND xã ghi nhận. Vừa qua UBND xã Hưng Tiến đã có món quà trị giá 1 triệu đồng dành cho thầy và cô giáo Tam vì những đóng góp cho công tác khuyến học, khuyến tài nhưng thầy và cô nhất quyết từ chối và đề nghị đóng góp vào quỹ khuyến học của xã. Tháng 12/2010, thầy Thành vinh dự là một trong 4 cá nhân của tỉnh Nghệ An được ra Hà Nội tham dự hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ngày nhận được giấy mời thầy cứ nghĩ người ta gửi nhầm bởi "thầy có làm được cái gì đâu".
Thầy là vậy, những việc mình làm thầy luôn xem đó là một nhiệm vụ, điều đương nhiên, không có gì đặc biệt cả nhưng đối với chúng tôi, với người dân nghèo và những em học sinh những điều thầy làm thật lớn lao. Bằng tình yêu thương đối với học trò, bằng cái tâm trong sáng, thầy đã thổi bùng lên ngọn lửa say mê học tập và khát vọng chiếm lĩnh tri thức của học sinh nghèo nơi đây.
Theo Dân Trí