Tin tức

Apple - 35 năm để trở thành “gã khổng lồ”

Sat, 16/04/2011, 10:52 GMT+7

Ngày 1/4/1976, Steve Jobs, Steve Wozniak và Ronald Wayne đã cùng nhau thành lập một công ty nhỏ chuyên buôn bán máy tính cá nhân tự thiết kế. Công ty đó giờ đây nổi tiếng toàn thế giới với tên gọi Apple.

 

35 năm sau, Apple trở thành một trong những công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới. Theo ước tính, hiện nay giá trị thị trường của Apple ở vào khoảng 317 tỷ USD, vượt xa giá trị của đối thủ chính Microsoft 100 tỷ USD.

 

Hiện nay, các sản phẩm của Apple hiện diện trong hàng triệu gia đình trên khắp thế giới.

 

Để trở thành một gã “khổng lồ” như ngày nay, Apple có một lịch sử khá phức tạp mà không phải ai cũng biết đến. Chẳng hạn, người ta thường nhắc đến 2 nhà đồng sáng lập Steve Jobs và Steve Wozniak, tuy nhiên, Apple vẫn còn nhà đồng sáng lập thứ 3, tên Ronal Wayne, người đã bán đi 10% cổ phần của Apple chỉ sau 2 tuần thành lập.

 

2 nhà đồng sáng lập nổi tiếng của Apple

 

Trong 35 năm tồn tại và phát triển, Apple đã từng nhiều lần “chết đi sống lại”. Sự ra mắt của Macintosh vào năm 1984 được xem là bước ngoặt quan trọng của Apple, đánh dấu sự xuất hiện của một đối thủ chính trên phân khúc máy tính cá nhân, mà khi đó Windows của Microsoft đang là “kẻ thống trị”.

 

Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau đó, Steve Jobs, nhân vật nổi tiếng nhất trong lịch sử của Apple đã bị John Sculley, là CEO của Apple khi đó sa thải.

 

Đến năm 1996, Apple mua lại NeXT (khi đó Jobs đang giữ chức vụ CEO của NeXT), và Jobs được trở về “mái nhà” xưa.

 

Đặc biệt, đến năm 1997, Microsoft đã đầu tư một khoản tiền 150 triệu USD vào Apple. Đây được xem là một quyết định có phần sai lầm của Microsoft, và nhiều người cho rằng, ngày nay Microsoft đã phải rất hối hận vì hành động này của mình trong quá khứ.

 

Đoạn video ghi lại sự kiện hợp tác giữa Microsoft và Apple vào năm 1997: www.youtube.com/watch

Không lâu sau đó là thời kỳ hoàng kim của Apple, với sự thành công ngoài sự tưởng tượng của các sản phẩm như iPod, iMac, MacBook, iPhone và giờ đây là iPad.

 

Nhiều người cho rằng, bất kỳ sản phẩm nào qua tay của Steve Jobs và gắn hiệu Apple đều là những sản phẩm thành công.

 

Những điều được trông đợi ở Apple trong tương lai

 

Trong 35 năm tồn tại và phát triển, Apple thường bị đánh giá là thua kém so với các đối thủ, đặc biệt là Microsoft. Cho đến tận năm 2010, được xem là năm “bùng nổ” của Apple, và giá trị của “quả táo” đã vượt qua Microsoft lần đầu tiên vào tháng 5 năm ngoái.

 

Trong tương lai, đối thủ chính của Apple không còn chỉ là Microsoft, mà còn là sự cạnh tranh từ phía Google và hàng loạt các hãng sản xuất thiết bị di động đến từ châu Á như Sony, Samsung, LG hay Asus…

 

Trong khi Apple vẫn đang là “kẻ thống trị” trên thị trường thiết bị di động (smartphone và tablet) thì thị trường máy tính cá nhân vẫn còn là một thách thức khá lớn đối với “quả táo”.

 

Cùng với sự hoàn thiện về thiết kế sản phẩm, các tính năng mới trên nền tảng Mac OS, những người hâm mộ Apple hy vọng hãng sẽ có thể cạnh tranh được với Microsoft trên phân khúc máy tính cá nhân.

 

Không chỉ hy vọng vượt qua Microsoft trên thị trường máy tính cá nhân, Apple còn được giới công nghệ hy vọng sẽ công bố những sản phẩm mới để “định hình” công nghệ trong tương lai, như máy nghe nhạc iPod, điện thoại iPhone hay máy tính bảng iPad đã từng làm được trong quá khức.

 

Steve Jobs là “vị thánh” mang lại sự thành công của Apple ngày hôm nay

 

Dưới sự dẫn dắt của Steve Jobs, không chỉ là CEO mà còn được xem là trái tim và tâm hồn của Apple, những thành công trong tương lai của Apple là hoàn toàn có cơ sở. Và thậm chí, ngay cả những người không ưa thích các sản phẩm của Apple cũng phải thừa nhận rằng, dưới sự nhào nặn của Steve Jobs, mội sản phẩm của Apple đều trở thành “hàng hot” và đều có thể “hái ra tiền”.

 

Sau 35 năm tồn tại và phát triển, “mặt trời” đang chiếu sáng Apple, và ánh sáng đó sẽ tiếp tục trong tương lai, hoặc bắt đầu một thời kỳ “xế bóng”, câu trả lời sẽ có trong tương lai.

 

Cùng xem lại những sản phẩm gắn liền với thương hiệu Apple trong 35 năm: www.youtube.com/watch

 

 

Theo Dân Trí

Bình luận
Ý kiến bình luận