Mon, 18/04/2011, 08:55
GMT+7
Có lẽ, một thực tế nhiều người phải thừa nhận là chất lượng đầu vào của sinh viên các trường sư phạm đang có xu hướng giảm ở những năm gần đây. Theo PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng (Trường ĐHSP TP.HCM), lý do hết sức quan trọng dẫn đến thực tế này là thu nhập của nhà giáo trong xã hội hiện nay thuộc loại thấp so với nhiều ngành nghề khác.
|
Ảnh gdtd.vn
|
Vài năm trước đây, các trường sư phạm có một thời “hoàng kim” nhờ chính sách không thu học phí đối với sinh viên. Khi đó, vào ĐH sư phạm là mơ ước của nhiều học sinh, kể cả những học sinh có học lực giỏi. Điều này không chỉ làm tăng số lượng thí sinh thi vào các trường sư phạm mà chất lượng đầu vào của các trường này cũng được nâng cao hơn rất nhiều.
Thế nhưng, chất lượng đầu vào của sinh viên các trường sư phạm đang có xu hướng giảm, việc tuyển sinh trở nên khó khăn hơn, chính sách học phí dường như không còn mấy hấp dẫn đối với sinh viên nữa. Mùa tuyển sinh năm 2010, nhiều trường đào tạo sư phạm có tỉ lệ chọi dưới 5. Không ít trường tuyển NV1 không đủ, phải tìm đến nguồn NV2, NV3 cứu cánh. Điểm chuẩn vào các trường này cũng không còn cao như vài năm trước. Năm nay, qua một số buổi tư vấn tuyển sinh có thể thấy “nguồn cảm hứng” của các thí sinh dành cho khối ngành sư phạm cũng đã giảm đi rõ rệt dù các em được thông tin nhiều địa phương đang thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Nhìn vào hệ thống các trường sư phạm, trong đó có 2 trường sư phạm trọng điểm thì hiện đều là trường đại học đa ngành với nhiệm vụ đào tạo giáo viên là chính. Vì sao vậy? Câu trả lời PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng đưa ra là các trường đang tự cứu mình và cho rằng, đối với giáo dục đại học, sự đầu tư của nhà nước nên tập trung hơn vào các trường/khoa đào tạo giáo viên; hơn lúc nào hết cần phải đầu tư cho giáo dục và quan tâm tới đội ngũ thầy cô giáo. Đây là yêu cầu khách quan, tuyệt nhiên không là đòi hỏi cho ngành - PGS.TS. Nguyễn Kim Hồng nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Thị Ngọc (ĐHSP TP.HCM) cho rằng, với giáo viên giảng dạy các trường sư phạm cần được tuyển chọn như với một loại trường đặc biệt, trong đó không chỉ chú ý yêu cầu về kiến thức mà còn là các vấn đề khác như ngoại hình, sở trường, năng lực giao tiếp, ứng xử, điều kiện sức khỏe, đời sống tâm lí... Cần tổ chức tuyển chọn và thi tuyển một cách nghiêm túc, khách quan và công bằng. Vì tầm quan trọng của giáo viên sư phạm cũng giữ vai trò quyết định chất lượng giáo sinh sư phạm.
Mặt khác, cần chọn tuyển được đội ngũ giáo viên có năng lực từ các nhà trường phổ thông vào đội ngũ giáo viên bổ sung cho đội ngũ giáo viên các trường sư phạm. Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc, điều này sẽ góp phần hạn chế sự thiếu vốn tri thức từ thực tế giáo dục phổ thông, ảnh hưởng lớn đến trình độ người giáo viên trong các trường sư phạm. Mặt khác làm giảm chất lượng đào tạo của nhà trường sư phạm.
Cùng với đó, việc tuyển chọn sinh viên vào các trường sư phạm, cần chọn những học sinh có đủ năng lực khá, giỏi vào các trường sư phạm với chế độ ưu đãi (như những năm trước đây: sinh viên các trường sư phạm có học bổng cao hơn sinh viên các trường khác). Giai đọan hiện nay cần miễn học phí cho sinh viên học lực giỏi tình nguyện vào các trường sư phạm. Tạo điều kiện tốt nhất để các em ra trường có công việc giảng dạy một cách phù hợp và thuận lợi nhất.
Việc quan trọng không kém, theo TS. Nguyễn Thị Ngọc là cần nhanh chóng đổi mới chương trình đào tạo ở các trường sư phạm: gắn tri thức với thực hành, theo nguyên tắc sư phạm gắn bó lí thuyết và thực hành, vận dụng sáng tạo và linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Trong đó cần chú trọng đặc biệt đến giảng dạy hiệu quả các môn phương pháp giảng dạy và nghiệp vụ sư phạm gắn với thực tiễn của nhà trường phổ thông Việt Nam trong thế kỉ mới cập nhật những tăng cường giảng dạy các môn có tính chất công cụ cho giáo sinh giúp họ có điều kiện tiếp tục học tập và tự học tập để nâng cao trình độ và tri thức, năng lực của bản thân (như Tin học, Ngoại ngữ, Tâm lí giáo dục, các kĩ năng và phương pháp tự học...). Không chấp nhận giáo trình giảng dạy cũ kĩ, lạc hậu, thiếu cập nhật với thực tế, đưa lại chất lượng giáo dục yếu và thiếu. Không chấp nhận sự chậm trễ trong đổi mới phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giáo viên các trường sư phạm.
Theo gdtd.vn