Wed, 13/07/2011, 14:18
GMT+7
Trong những ngày nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến gần 40 độ C, điều hòa nhiệt độ, làm mát không khí là lựa chọn của nhiều người. Với một vài lưu ý nhỏ, loại thiết bị phổ biến này sẽ trở nên thân thiện hơn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.
Bạn không nên để nhiệt độ điều hòa quá thấp, chỉ nên để chênh so với nhiệt độ bên ngoài từ 3-4 độ C là phù hợp. Bởi vì một trong các biện pháp quan trọng nhất giúp tỏa nhiệt của cơ thể là bay hơi mồ hôi, do vậy độ ẩm không khí vô cùng quan trọng.
Trong phòng điều hòa, ngoài vấn đề nhiệt độ thấp hơn, quan trọng hơn nữa là độ ẩm không khí thấp hơn giúp việc tỏa nhiệt do bay hơi mồ hôi dễ dàng hơn. Do vậy, chúng ta thấy có cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều. Nếu chúng ta để nhiệt độ trong phòng quá thấp sẽ gây ra sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ khi ra ngoài, sẽ làm cho chúng ta dễ bị ngạt mũi, đau họng, đặc biệt là người lớn tuổi bị các bệnh tim mạch, có thể bị các biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ngất... hết sức nguy hiểm. Nếu sự chênh lệch nhiệt độ như vậy không giúp bạn cảm thấy đủ mát thì nên dùng một quạt máy để giúp không khí lưu chuyển tốt hơn, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu và an toàn hơn.
Trong mùa hè, rất nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện do viêm phế quản, sử dụng điều hòa không đúng là một nguyên nhân gây bệnh. Để phòng ngừa “tác dụng phụ” này của điều hòa, các bác sĩ nhi khoa cho biết, đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, nên đặt nhiệt độ từ 26-28 độ C. Trẻ sơ sinh thì nhiệt độ cao hơn (29- 30 độ C). Vị trí đặt ở trên cao chứ không nên đặt dưới thấp. Cánh cửa gió của điều hòa không nên đặt trực tiếp hướng về phía trẻ nằm, không nên đặt tốc độ quạt gió quá mạnh. Nên đặt ở tốc độ quạt gió thấp nhất và nên để ở chế độ quay chứ không nên để ở chế độ chạy thẳng một góc.
Trong phòng điều hòa phải có quạt thông gió đối diện bên đặt điều hòa. Nên quan tâm tới chất lượng máy điều hòa, đặt máy điều hòa có chế độ ẩm phù hợp (60 - 80 %). Công suất của máy điều hòa phải phù hợp với diện tích của phòng (quan tâm tới tổng diện tích, chiều cao của phòng, không chỉ tính diện tích sàn) và quan tâm đến rơ le nhiệt độ. Không nên để trẻ ra vào phòng có điều hòa nhiều lần trong một thời gian nhất định, như thế sẽ dễ bị ốm vì thay đổi nhiệt độ quá nhanh (khoảng 5-6 lần/1 tiếng).
Lưu ý, các gia đình có trẻ nhỏ không nên sử dụng thiết bị phun ẩm, phun sương trong phòng vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virut gây bệnh phát triển và xâm nhập cơ thể.
Theo gdtd.vn