Tin tức

Tăng cường giám sát HS, SV chơi trò chơi trực tuyến

Sat, 09/04/2011, 09:53 GMT+7

Bộ GD-ĐT vừa ban hành Chương trình hành động về phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh đối với HS, SV giai đoạn 2011-2015. Mục đích là để ngăn chặn kịp thời những tác động xấu của trò chơi trực tuyến với HS, SV.

Theo Bộ GD-ĐT để giải quyết triệt để tác hại của các trò chơi trực tuyến không lành mạnh, các nhà trường có kế hoạch phổ biến cho cán bộ, giáo viên nâng cao nhận thức và hiểu biết về tác hại trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh để làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nội dung này đến toàn thể cán bộ, giáo viên và HS, SV.

Tổ chức các câu lạc bộ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngoài giờ lên lớp nhằm thu hút HS, SV tham gia, tạo ra sân chơi giải trí lành mạnh cho HS, SV. Phổ biến, giáo dục về tác hại của trò chơi trực tuyến lồng ghép vào môn giáo dục công dân, pháp luật, các hoạt động giáo dục, các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức, qua đó giúp HS, SV nhận thức được giá trị sống, nâng cao kỹ năng sống, định hướng hành vi và nhận thức đúng tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh.

Nhà trường chủ động đề nghị các cơ quan chức năng của địa phương xử lý các đại lý Internet vi phạm quy định hiện hành về tổ chức dịch vụ kinh doanh Internet trên địa bàn liên quan. Tuyên truyền về tác hại của trò chơi trực tuyến thông qua các bài viết, hình ảnh có nội dung bạo lực, không lành mạnh và tác hại của “nghiện” trò chơi trực tuyến cho HS, SV trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Lập “hòm thư góp ý” để phát hiện những HS, SV chơi trò chơi trực tuyến có nội dung không lành mạnh, bạo lực và nghiện trò chơi trực tuyến trong nhà trường để có biện pháp phối hợp, quản lý, giáo dục. Đưa nội dung phòng, chống tác hại của trò chơi trực tuyến có bạo lực và không lành mạnh là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua giữa các lớp, các khoa trong nhà trường.

Theo chương trình hành động này thì mục tiêu cụ thể đối với giáo dục phổ thông là giáo dục, vận động học sinh theo phương châm “3 không” đối với trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh ( “3 không” bao gồm không chơi trò chơi bạo lực, không làm ngơ khi biết bạn nghiện trò chơi trực tuyến và không làm ngơ khi biết có địa điểm tổ chức cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến trái phép).

Bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức đến phụ huynh HS về tác hại của trò chơi trực tuyến để làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục học sinh. Phụ huynh HS phải ký cam kết với nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh về tác hại của trò chơi trực tuyến ngoài giờ lên lớp.

Tuyên truyền, giáo dục cho HS vào các buổi chào cờ đầu tuần và trong tiết sinh hoạt lớp, trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp các buổi phát thanh về tác hại của trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực và không lành mạnh, không phù hợp với lứa tuổi. Trong các buổi họp phụ huynh HS theo định kỳ, giáo viên chủ nhiệm lồng ghép thêm nội dung về tác hại của trò chơi trực tuyến để phụ huynh có biện pháp quản lý, giáo dục HS ngoài giờ lên lớp.

Giáo viên chủ nhiệm theo dõi chặt chẽ sĩ số HS hàng ngày, trong từng tiết học của lớp mình chủ nhiệm. Phối hợp quản lý không để xảy ra tình trạng HS đến trường nhưng trốn học, bỏ tiết. Nếu phát hiện những biểu hiện bất thường của HS thì phải tìm hiểu và liên lạc với gia đình để cùng có kế hoạch ngăn chặn, giáo dục kịp thời. Phối hợp chặt chẽ và thông tin kịp thời giữa nhà trường và gia đình để phát hiện sớm những bất thường trong tâm lý của HS, kịp thời giáo dục, nhắc nhở, uốn nắn, phê bình.

Ngoài ra, phối hợp với tổ chức đoàn, đội và các tổ chức hội đoàn thể (hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội cựu giáo chức…) ở địa phương trong công tác để giáo dục HS, SV về đạo đức, nhân cách và phòng, chống, không chơi trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương triển khai, thực hiện, kiểm tra xử lý các vi phạm và ngăn chặn tác động xấu của trò chơi trực tuyến đối với HS.

Đối với cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thì lồng ghép phổ biến, tuyên truyền về tác hại trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh trong “Tuần sinh hoạt công dân HS, SV đầu năm, đầu khoá và cuối khoá học”. Tổ chức cho HS, SV ký cam kết với nhà trường không chơi trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh vào đầu năm và đầu khóa học.

Có biện pháp quản lý, khống chế các trang web có nội dung xấu và trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh của mạng Internet trong nhà trường và ký túc xá SV. Phòng Công tác HS, SV phối hợp với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục thường xuyên cho HS, SV về tác hại của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh.

Kịp thời xử lý các trường hợp HS, SV vi phạm các nội dung đã ký cam kết với nhà trường về không chơi trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh. Phối hợp với cơ quan công an ở địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện, kiểm tra xử lý các vi phạm và ngăn chặn tác động xấu của trò chơi trực tuyến đối với HS, SV.

Chương trình hành động này cũng nêu rõ, mỗi quý 1 lần các nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan công an để kiểm tra các địa điểm kinh doanh Internet và trò chơi điện tử trên địa bàn.

Hàng năm cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức ít nhất 1 cuộc họp với phụ huynh HS để phổ biến, tuyên truyền về tác hại của của trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh, 100% phụ huynh HS ký cam kết với nhà trường quản lý không để HS chơi các trò chơi này.

 

Trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực và không lành mạnh bao gồm những trò chơi kích động chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, kích động bạo lực, dâm ô, đồi truỵ, tội ác, cờ bạc; tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, ảnh hưởng đến đạo đức, nhân cách thuần phong mĩ tục của dân tộc và những bí mật khác do pháp luật quy định; thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

 

Theo Dân Trí

 

Bình luận
Ý kiến bình luận