Tin tức

Việt Nam 'tăng hạng' về lừa đảo trực tuyến và mã độc

Thu, 19/05/2011, 08:45 GMT+7

Xếp hạng mới nhất cho thấy các chỉ số về lượng mã độc, thư rác, máy chủ bị lợi dụng phishing, mạng máy tính ma (botnet)... ở Việt Nam đều tăng cao so với năm trước.

 

Hãng bảo mật Symatec vừa công bố Báo cáo hiện trạng bảo mật Internet số 16 (ISTR 16), trong đó phân tích dữ liệu thu thập được trong năm 2010 từ 86 quốc gia, gồm hơn 8 tỷ e-mail và hơn 1 tỷ truy vấn Web mỗi ngày cũng như tổng hợp thông tin về lừa đảo trực tuyến thông qua cộng đồng các doanh nghiệp, nhà cung cấp giải pháp bảo mật và hơn 50 triệu người tiêu dùng.

Xếp hạng của VN so với thế giới

2009

2010

Mức hoạt động độc hại chung

20

19

Mã độc

24

12

Hệ thống máy tính ma phát tán thư rác

10

10

Hệ thống máy chủ bị lợi dụng để lừa đảo trực tuyến

42

33

Máy tính bị nhiễm phần mềm điều khiển của tin tặc

51

45

Raymond Goh, Giám đốc kỹ thuật khu vực Nam Á của Symantec, cho hay Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều trên bản đồ nguy cơ và đe dọa bảo mật toàn cầu. Năm 2009, Việt Nam đứng thứ 24 về lượng mã độc bị phát tán thì năm sau tăng tới 12 bậc, trong khi số máy tính bị tin tặc khống chế (zombie) để phát tán thư rác vẫn nằm trong top 10.

Báo cáo ISTR 16 cho thấy các cuộc tấn công có mục tiêu như Hydraq và Stuxnet đã tạo ra đe dọa ngày càng tăng với doanh nghiệp năm 2010. Tin tặc đã khởi phát nhiều cuộc tấn công có mục tiêu, không chỉ nhắm vào các tập đoàn đa quốc gia và cơ quan chính phủ mà cả những công ty cỡ nhỏ. Trung bình mỗi vụ xâm nhập dữ liệu của hacker năm 2010 khiến hơn 260.000 danh tính người dùng bị lộ, cao gấp gần 4 lần so với bất cứ nguyên nhân nào khác.

Mạng xã hội cũng đang thu hút một lượng lớn phần mềm độc hại. Một trong những kỹ thuật tấn công chủ chốt là kẻ xấu lợi dụng đường URL rút gọn. Các link rút gọn này được dùng thay thế cho địa chỉ web dài và phức tạp, tuy nhiên người sử dụng sẽ không thể xác định được link đó có phải là từ trang web quen thuộc hay không.

Nền tảng di động cũng trở thành "điểm đến" của hacker và Symantec cho rằng các cuộc tấn công nhắm vào những nền tảng này sẽ tăng nhanh chóng. Hiện nay, hầu hết các cuộc khai thác trên thiết bị di động đều sử dụng Trojan giả danh ứng dụng hợp pháp. Trong năm 2010, hãng bảo mật Mỹ phát hiện 163 lỗ hổng có thể bị tin tặc sử dụng để chiếm quyền điều khiển một phần hoặc toàn bộ thiết bị di động.

"Do tính chất không biên giới của Internet, sự gia tăng các mối đe dọa mạng toàn cầu cũng có tác động không nhỏ tới người dùng và doanh nghiệp Việt Nam", ông Goh nhận định. "Bạn không thể tiếp tục làm ngơ trong việc bảo vệ thông tin quý giá của mình, dù đó có là thông tin cá nhân hay thông tin doanh nghiệp quan trọng. Người dùng và doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động bảo vệ và quản lý dữ liệu trước sự bùng nổ của thiết bị di động và mạng xã hội".

 

Theo Vnexpress

 

 

Bình luận
Ý kiến bình luận