Tin tức

Khi học sinh bị phụ huynh "ép" chọn nghề

Thu, 24/02/2011, 08:52 GMT+7

Không chỉ lo lắng việc học, tỉ lệ chọi, với không ít học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi ĐH, CĐ thì “ước mơ của bố mẹ” trở thành áp lực hàng đầu.

Sáng 20/2, hàng trăm học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Q. Phú Nhuận, TPHCM) cùng rất nhiều phụ huynh tham gia buổi tư vấn tuyển sinh với các giảng viên của nhiều trường ĐH tại TPHCM, chuyên gia tâm lý và cả bác sĩ “hỗ trợ” sức khỏe mùa thi.

Buổi tư vấn nằm trong chương trình “Định hướng tương lai” do báo Giáo dục TP.HCM được tổ chức tại 8 trường THPT tại TPHCM trong tháng 2 và tháng 3/2011 với sự tham gia của các chuyên gia, chuyên viên tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, của các trường ĐH tại TPHCM cùng các chuyên gia tâm lý, sức khỏe.


Học sinh trường THPT Hàn Thuyên thắc mắc về chọn ngành chọn nghề.

Bên cạnh những thắc mắc về “chuyên môn” như chọn ngành nào tại trường nào, ngành nào dễ xin việc, tỉ lệ chọi… thì không ít học sinh bày tỏ tâm tư phải đứng giữa hai lựa chọn giữa sở thích, ước mơ của mình với mong muốn của bố mẹ.

Đặc biệt những em là con “nhà nòi”, gia đình có nhiều người cùng làm trong lĩnh vực nào đó như công an, bác sĩ, giáo viên… thì mong muốn của bố mẹ con “nối” nghề lại càng lớn. Theo nghề của gia đình thường sẽ được người đi trước chỉ dẫn, có mối quan hệ trong ngành xin việc cũng dễ dàng hơn. Thế nhưng, không phải học sinh nào con “nhà nòi” cũng có ước mơ theo nghề truyền thống của gia đình mà họ có sở thích, ước mơ riêng. Khi đó, các em gặp phải áp lực trong việc chọn nghề giữ ước mơ của mình và mong muốn của bố mẹ.

Tuyết Nhung, học sinh lớp 12A9 gần như bật khóc ngay giữa hàng trăm bạn bè cùng khối, thầy cô và những nhà tư vấn khi chia sẻ: “Nhà em có người quen làm trong ngành Y nên bố mẹ ép em phải thi và trở thành điều dưỡng. Trong khi mơ ước từ nhỏ của em là trở thành giáo viên. Bây giờ em không biết phải làm sao?”.

Cùng chung tình cảnh như trên, Hoàng Linh lớp 12A1, đam mê về thời trang, đặc biệt là nghề làm tóc nhưng bố mẹ ép em phải thi vào một lĩnh vực nào đó về kinh tế, ngoại giao để làm việc tại ở cơ quan hoặc công ty. Thời gian thi đang đến gần, cô nữ sinh càng trở nên chán chường, bức bối chẳng muốn học hành.

“Lực học em chỉ trung bình và em có sở thích của mình nhưng bố mẹ cứ kỳ vọng em phải làm ngành này, ngành nọ cho bằng bạn bè”, Linh bộc bạch.

Sở thích có thể thay đổi

Trong buổi tư vấn tuyển sinh thế, có lẽ Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Quỳnh Giao, trưởng bộ môn Tâm lý (ĐH Sài Gòn) lại là người “bị” học sinh hỏi nhiều nhất chủ yếu xoay quanh tâm tư của các em khi không được bố mẹ ủng hộ ngành nghề mình mong muốn.


Hoàng Linh (phải), lớp 12A1 có sở thích về thời trang những bố mẹ muốn em thi vào những ngành nghề cơ bản.

Theo bà Quỳnh Giao, khi mong ước của thí sinh và phụ huynh không “gặp” nhau thì rất dễ dẫn đến căng thẳng cho cả hai bên. Bố mẹ thì quá kỳ vọng vào con, còn các em học sinh đang ở độ tuổi lớn lại thường cho rằng bố mẹ cố tình “chống đối” mình.

“Thực tế có nhiều em chọn nghề cho tương lai theo sở thích nhưng sau một thời gian học nghề và làm việc, các bạn thay đổi vì cảm thấy mình không còn thích công việc này. Vì thế sở thích của các em có thể thay đổi”, bà Giao nhấn mạnh.

Bởi thế, trước hết các em không nên quá căng thẳng, cho rằng ba mẹ đang ép mình. Mà lúc đó, học sinh và cả phụ huynh cần phải cân nhắc giữa hai mong muốn. Hãy xem thật sự ngành nghề nào mình có thể theo đuổi và thực hiện, bởi không phải lúc nào ước mơ, nguyện vọng của học sinh cũng đúng.

Bà Giao khuyên trước hết các em phải xác định được ước mơ, đam mê của mình. Và muốn xác định mình có đam mê với một lĩnh vực nào đó hay không thì cần phải tận dụng mọi cơ hội để tham gia những hoạt động liên quan đến lĩnh vực đó. Sau một thời gian, có thể gặp rất nhiều thử thách mà vẫn thấy thích thú, hào hứng với lĩnh vực thì đó là đam mê.

Để thuyết phục bố mẹ ủng hộ lựa chọn của mình, các em đừng tỏ thái độ bất mãn, chống đối mà cần phải trình bày cho cha mẹ hiểu về khả năng, cũng như đam mê của mình. Đặc biệt, học sinh cần phải tìm hiểu thật kỹ càng về ngành nghề mình đam mê để có thể trình bày một cách thuyết phục nhất. “Ngoài ra, các em cũng có thể mời bố mẹ đến các buổi tư vấn tuyển sinh, gặp chuyên gia tâm lý để cả hai tìm được tiếng nói chung”, bà Giao chia sẻ.

Hoài Nam

Bình luận
Ý kiến bình luận
vu dinh tuan (30/10/2011 18:19)
bo me o the ep con hoc nhu the duoc